Viêm đại tràng là bệnh thuốc đường tiêu hóa nên chế độ ăn uống của bệnh nhân sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng bệnh. Nếu người bệnh ăn uống tùy tiện, vô tư nạp những thực phẩm không tốt cho hệ tiêu hóa hay đại tràng sẽ làm cho bệnh nặng hơn. Vậy người bị viêm đại tràng không nên ăn những loại thực phẩm nào?
Các nhóm thực phẩm người mắc viêm đại tràng không nên ăn
Các nhóm thực phẩm dưới đây là những thực phẩm mà người bệnh cần bỏ chúng ra khỏi khẩu phần ăn nếu việc ăn vào những loại này làm tăng các triệu chứng bệnh viêm đại tràng:
1. Sản phẩm từ sữa
Đối với nhiều người bị viêm loét đại tràng, uống sữa hoặc ăn kem có thể gây tiêu chảy, đau bụng và đầy hơi.
Một số người bị viêm loét đại tràng thường đi kèm với tình trạng không dung nạp sữa, có nghĩa là họ thiếu enzyme tiêu hóa sữa nên dễ gây các triệu chứng bệnh tiêu hóa. Nếu các triệu chứng bệnh đại tràng xuất hiện sau khi ăn hoặc uống các sản phẩm từ sữa, bạn cần loại bỏ chúng ra khỏi chế độ ăn hàng ngày.
2. Trái cây, rau quả và các loại đậu nhiều chất xơ
Cơ thể chúng ta không thể tiêu hóa chất xơ, nên chúng được đào thải hoàn toàn qua đường ruột. Ở những người bị viêm loét đại tràng, ăn nhiều chất xơ có thể làm tăng nhu động ruột, tăng cảm giác đau bụng. Trong khi có các triệu chứng bệnh, bạn cần tránh hoàn toàn các loại thực phẩm giàu chất xơ, bao gồm bông cải xanh, súp lơ, táo và rau xanh. Trong thời gian bệnh đã thuyên giảm, bạn có thể ăn các loại thực phẩm này trở lại nhưng với lượng vừa phải. Lưu ý: Trái cây gọt vỏ hay rau củ được nấu chín sẽ dễ tiêu hóa hơn dạng thô sống của nó.
Các loại đậu nói chung là những thực phẩm giàu chất xơ, giàu protein. Đồng thời, nhiều loại đường khó tiêu trong đậu được biết đến là nguyên nhân chủ yếu gây ra khí thừa trong đường tiêu hóa. Nếu đang trong đợt viêm đại tràng cấp, bệnh nhân cần tránh tất cả các loại đậu như đậu xanh, đậu atduki, đậu nành, đậu Hà Lan, đậu lăng….
3. Thực phẩm chứa nhiều đường
Đồ uống hay thực phẩm có đường có thể gây kích thích đại tràng, đầy hơi, khó tiêu. Lượng đường dư thừa có thể gây tiêu chảy. Hạn chế ăn đồ ăn chứa nhiều đường như: sữa, bánh ngọt, nước ngọt…
4. Rượu, bia, đồ uống có ga, chất kích thích
Bia, rượu có thể kích thích ruột và gây tiêu chảy. Ngoài ra, khi dùng bia rượu, lớp nhầy bảo vệ niêm mạc đại tràng mất tác dụng, làm rối loạn cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột, làm thay đổi quá trình sinh hóa tái hấp thu và đào thải ở đại tràng.
Người bệnh viêm đại tràng cũng nên kiêng những thực phẩm chứa chất kích thích như trà, cà phê bởi chúng có thể làm tăng co thắt bụng và tiêu chảy. Nước ngọt, đồ uống có ga có thể gây đầy hơi và sình bụng.
5. Gạo lứt và các ngũ cốc
Các thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt cần hạn chế như gạo lứt, lúa mạch, kê, lúa mì, bột mì khô… Những loại hạt này vẫn có nội nhũ sợi, mầm và cám có thể gây kích ứng với người viêm đại tràng cấp và gây bùng phát đợt viêm cấp. Một lựa chọn tốt hơn cho những người bị viêm đại tràng là gạo trắng nấu chín.
6. Các loại hạt
Các loại hạt (bao gồm đậu phộng và các loại hạt cây như hạnh nhân và quả óc chó) và hạt (như hạt hướng dương) có nhiều chất xơ, có thể làm tăng nhu động ruột và đầy hơi.
7. Thực phẩm cay nóng
Các thực phẩm như ớt, các loại nước sốt cay có thể gây tiêu chảy ở nhiều người. Đối với những người bị viêm loét đại tràng, thức ăn nóng và cay có thể làm bệnh viêm đại tràng tái phát rất nhanh.
8. Tránh xa thực phẩm chiên xào chứa nhiều dầu mỡ
Khi chúng ta ăn thực phẩm quá nhiều chất béo như thức ăn chiên thì với lượng chất béo lớn như vậy sẽ gây áp lực lớn lên hệ thống tiêu hóa. Bởi trong các loại thực phẩm này chứa lượng lớn Carbohydrates, Protein và chất béo làm chậm quá trình tiêu hóa vì nó đòi hỏi lượng lớn enzyme và dịch tiêu hóa. Việc ăn nhiều chất béo sẽ khiến đại tràng của chúng ta phải làm việc thêm nhiều giờ liền để tiêu hóa thức ăn đồng thời gây ra triệu chứng đầy hơi, buồn nôn và khó chịu. Nhiều trường hợp người bệnh ăn các đồ ăn nhiều mỡ sẽ dễ bị tiêu chảy, đau bụng.
9. Kiêng kị các thực phẩm tanh, lạnh, sống, để lâu
Ăn chín, uống sôi là nguyên tắc quan trọng để phòng tránh viêm đại tràng và các bệnh về đường tiêu hóa. Các đồ tanh, lạnh, sống (nem chua, gỏi, rau sống…) làm cho vi khuẩn có hại phát triển mạnh, giảm số lượng lợi khuẩn, gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
Các đồ tanh như hải sản khi sử dụng cũng sẽ khiến cho đại tràng bị kích thích. Biểu hiện rõ nhất là các cơn đau bụng, đầy hơi với tần suất liên tục. Ngoài ra, các loại hải sản có chứa nhiều vi khuẩn kí sinh nên dễ gây đau bụng, đi ngoài hay nặng hơn là ngộ độc thực phẩm.
Do mỗi người có cơ địa khác nhau nên người bệnh viêm đại tràng cần chú ý rằng, ngoài các loại thực phẩm như đồ tanh sống, đồ để lâu, hay rượu bia, thì không cần phải tránh hoàn toàn thực phẩm nào trừ khi ăn chúng làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh. Bởi việc kiêng quá mức có thể khiến cơ thể chúng ta thiếu dinh dưỡng, sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút, vô tình khiến bệnh nặng hơn. Điều quan trọng là bạn cần nhớ những loại thực phẩm nào bạn đã từng ăn gây tác động xấu tới đại tràng của bạn để đưa vào danh sách những đồ ăn cần kiêng. Người mắc bệnh đại tràng cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và vận động hợp lý.
Chuyên Gia Tư Vấn Bệnh

Chất Lượng Bài Viết:
– Chất Lượng Bài Viết –
Leave A Comment