Rối Loạn Tiêu Hoá
Rối loạn tiêu hóa là triệu chứng phổ biến thường gặp nhất. Theo thống kê, ở Việt Nam ai cũng bị rối loạn tiêu hóa ít nhất một lần trong đời. Bệnh tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng nhưng mắc lâu ngày tái đi tái lại ảnh hưởng đến tâm lý và cuộc sống của người bệnh. Ở những người bị rối loạn tiêu hóa lâu năm thường phải sống trong cảnh lo lắng,ăn uống thận trọng. Rối loạn tiêu hóa có nguy cơ gây nên những biến chứng như: Hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng co thắt,…
Vậy Rối Loạn Tiêu Hóa Là Gì?
Rối loạn tiêu hóa là cụm từ dùng để chỉ chung các triệu chứng có liên quan đến việc tiêu hóa thức ăn như đau bụng, đầy hơi, buồn nôn, khó chịu, khó tiêu, đi ngoài, táo bón,…
Các triệu chứng chính của Rối loạn tiêu hóa:
Có khá nhiều các biểu hiện cho thấy bạn đang bị rối loạn tiêu hóa. Trong đó thường gặp:
- Đau bụng: Có thể đau dữ dội, đau quặn, hoặc đau âm ỉ. Đau có thể thành từng cơn hoặc đau cả ngày, thường là đau cả bụng, có trường hợp đau 1 vùng của bụng hoặc đau dọc theo khung hình chữ u úp ngược ở bụng, đau cũng có thể lan ra sau lưng hoặc lan lên trên xương ức.
- Thay đổi thói quen đại tiểu tiện: bệnh nhân có thể bị tiêu chảy, đi ngoài phân nhầy,nát hoặc nước, cũng có thể bị táo bón. Nhiều trường hợp bệnh nhân vừa bị tiêu chảy vừa bị táo bón. Cũng có khi chỉ là cảm giác mót rặn, đi ngoài không hết.
- Bụng đầy hơi, khó tiêu. Nhiều trường hợp có thể có cả biểu hiện nôn, buồn nôn.
Nguyên Nhân Rối Loạn Tiêu Hóa
Đa phần chúng ta đều nghĩ đơn giản rối loạn tiêu hóa do ăn uống khi ăn phải đồ ăn ôi thiu, nhiều dầu mỡ hay thức ăn tanh, sống. Bản chất của rối loạn tiêu hóa là do thay đổi về chức năng của đại tràng hoặc mất cân bằng hệ vi sinh vật trong đường ruột ảnh hưởng tới quá trình hấp thu nước ở ruột già, thay đổi nhu động ruột dẫn đến các biểu hiện đau bụng, đi ngoài phân nát, táo bón,…
Rối loạn tiêu hóa do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Thường gặp là:
- Ăn uống không lành mạnh, ăn nhiều chất béo, nhiều gia vị kích thích. Ăn uống không điều độ, ăn vào lúc quá đói, hoặc ăn quá no, ăn nhanh, không nhai kỹ.
- Do dùng một số loại thuốc chống viêm, kháng sinh lâu ngày cũng gây rối loạn tiêu hóa.
- Dùng nhiều chất kích thích như rượu, thuốc lá, cà phê… gây hại cho đường tiêu hóa.
- Lo lắng, căng thẳng stress kéo dài ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa.
Rối Loạn Tiêu Hoá là một trong những biểu hiện của Hội Chứng Ruột Kích Thích
Hội Chứng Ruột Kích Thích Là Gì?
Hội chứng ruột kích thích còn gọi là viêm đại tràng co thắt do rối loạn chức năng của ống tiêu hóa có biểu hiện chủ yếu là các triệu chứng của đại tràng. Bệnh tái đi tái lại nhiều lần mà không tìm thấy các tổn thương về giải phẫu, tổ chức học, sinh hóa ở ruột già.
Do sự tăng nhạy cảm của đại tràng và do sự đáp ứng không phù hợp của các cơ tại đại tràng làm giảm khả năng chịu áp lực của khổi thức ăn tại một số đoạn ruột. hội chứng ruột kích thích là nguyên nhân dẫn đến thay đổi nhu động ruột: tăng nhu động ruột gây ỉa chảy, giảm nhu động ruột gây táo bón, đầy hơi khó tiêu.
Triệu Chứng Bệnh
Ba triệu chứng bệnh lý thường gặp của Hội chứng ruột kích thích: Đau bụng, đầy hơi và rối loạn tiêu hóa.
- Đau bụng: hoặc cảm giác khó chịu ở bụng kéo dài trên 12 tuần. Đau bụng giảm đi sau khi đi đại tiện,
- Đầy hơi, chướng bụng: Là 1 triệu chứng thường gặp. Người bệnh sẽ cảm giác bụng chướng hơi, nặng tức khó chịu ở bụng. Đôi khi còn thấy bụng phình to.
- Rối loạn tiêu hóa: Chủ yếu biểu hiện số lần đại tiện không bình thường (>3 lần/ngày hoặc < 3 lần/tuần), và phân không bình thường (lỏng, cứng, nhão) Bệnh nhân có thể bị táo bón, tiêu chảy, táo bón và tiêu chảy xen kẽ, đôi khi xảy ra tình trạng “táo bón giả tiêu chảy” (tức là phân vẫn ở dạng rắn cứng nhưng có lẫn nhiều nước). Hiện tượng này lặp đi lặp lại nhiều lần. Phân có thể có nhầy mũi, nhưng không có máu
Yếu Tố Nguy Cơ:
- Người trẻ: Hội chứng ruột kích thích bắt đầu trước tuổi 35 chiếm 50%.
- Gặp nhiều ở nữ giới: Do đặc thù về Hormon và cấu tạo giải phẫu.
- Yếu tố gia đình: Có người trong gia đình mắc bệnh.
- Stress, căng thẳng thần kinh, gánh nặng tâm lý kéo dài.
- Chế độ ăn: Ở một số người, chỉ riêng việc ăn uống cũng có thể là nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa. Thông thường, sự hấp thu một thức ăn gây nên phản xạ giữa dạ dày và ruột, đẩy thức ăn di chuyển xuống. Ở những người mắc bệnh lý đường ruột, quá trình tiêu hóa thức ăn này có thể gây đau bụng, đầy hơi, khó chịu.
Có những người bệnh, chỉ khi ăn những đồ ăn sống, tanh, lạ, không hợp vệ sinh mới có những biểu hiện trên.
- Thuốc: Một số thuốc kháng sinh, kháng viêm có tác dụng không mong muốn đối với đường ruột. Các thuốc này cũng có những ảnh hưởng tiêu cực hơn đối với bệnh nhân có ruột nhạy cảm.
- Tác nhân nhiễm trùng: Sau khi bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus (viêm dạ dày cấp tính,tiêu chảy cấp,…), ở một số người có xuất hiện tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài.
Các biến chứng:
- Hội chứng ruột kích thích, có thể làm nặng thêm bệnh trĩ.
- Ăn uống kiêng khem 1 số thức ăn dẫn đến suy dinh dưỡng.
- Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và công việc.
Lời Khuyên Cho Bệnh Nhân Rối Loạn Tiêu Hoá
Chế độ ăn uống hợp lý là vô cùng quan trọng trong phòng ngừa Rối loạn tiêu hoá.
Cần xây dựng một chế độ ăn uống phù hợp, mọi người nên ăn uống điều độ, không nên ăn quá nhiều bữa, quá no. Hạn chế ăn thịt, tăng cường ăn cá, bổ sung nhiều rau xanh, củ quả,… Tránh lạm dụng rượu, bia,… Không nên ăn thức ăn đã để nhiều giờ hoặc để qua đêm mà không được bảo quản cẩn thận, hạn chế ăn, ăn rau sống, thức ăn chế biến sẵn ngoài đường phố,… Cần tránh xa các loại thức ăn chưa nấu chín (tiết canh, gỏi).
Các bà nội trợ nên lựa chọn thực phẩm còn tươi mới, có màu sắc tự nhiên, không nên mua các loại thực phẩm có màu sắc quá khác biệt (rau quá xanh, thịt quá thẫm màu,…) và nên mua thực phẩm ở các cơ sở cung cấp có uy tín.
Thường xuyên tập luyện thể dục, nâng cao sức khoẻ, đồng thời hình thành thói quen sinh hoạt đúng giờ, tránh thức khuya căng thẳng kết hợp với sử dụng thuốc và xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, tình trạng rối loạn tiêu hoá sẽ được ngăn ngừa, hạn chế được sự tái phát.
Độc giả truy cập vào đây để đăng ký nhận lời khuyên và tư vấn hàng tuần của bác sĩ tiêu hóa.
Chuyên Gia Tư Vấn Bệnh

Chất Lượng Bài Viết:
– Chất Lượng Bài Viết –